BA MƯƠI TẾT – MỪNG XUÂN KỶ HỢI

Năm mới Kỷ Hợi, hình ảnh Chú Heo thân thuộc của mỗi gia đình Việt, với cuộc sống đầy đủ, sung túc, đầy tài lộc sẽ đến với mọi người. Hình ảnh Chú Heo Vàng may mắn đại diện cho năm mới 2019. Vì nó là con vật linh vật mang lại sự sung túc, ấm no đầy đủ cho chủ nhân, Heo được xem là loài vật sung sướng nhất trong 12 con Giáp, hầu như nó chỉ việc ăn no rồi ngủ, không bận tâm tới bất cứ chuyện gì, dân gian xem loại Heo là biểu tượng sự sung sướng, đầy đủ vật chất, thoải mái về tinh thần. 
Trong tâm tình hiếu thảo, chúng con muốn bày tỏ lòng biết ơn Viện Mẫu, vì một năm qua đã tận tụy, hy sinh phục vụ các tâm hồn đem lại niềm vui và hạnh phúc cho chúng con có đầy đủ của vật chất lẫn tinh thần. Đồng thời, xin tạ lỗi vì biết bao điều đã làm cho Viện Mẫu phải phiền lòng.



Chị Phó bày tỏ tâm tình
Tặng quà cho Viện Mẫu

Viện Mẫu lì xì 


MỒNG MỘT TẾT
Trong giờ phút giao thừa, nghĩa là trong lúc năm cũ sắp qua đi, nhường bước cho năm mới, chúng ta hướng về Đức Kitô, Đấng vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời, đồng thời trao phó cho Ngài vận mạng của chúng ta, của loài người và của cả vũ trụ. Ngày đầu năm chúng ta hướng về Đấng tạo thành. Đấng đã làm cho con tạo xoay vần, cho trời đất luân chuyển Xuân – Hạ – Thu – Đông. Hướng về Ngài để phó dâng về một năm mới bắt đầu. Một khởi sự ước mong được vẹn toàn nhờ ơn trên phù hộ. Hướng về Đấng tạo thành cũng mời gọi con người nhìn nhận sự quan phòng che chở, phù trì của Ngài để dâng lời tạ ơn về những ơn lành Ngài ban.
Những giờ phút linh thiêng này, chúng con được hạnh phúc quỳ bên Chúa chầu Thánh Thể thay cho cho tất cả mọi người theo tinh thần Cha Tổ phụ trong những ngày tết, biết bao người chỉ lo ăn uống, vui chơi giải trí mà quên đi Đấng Tạo thành vạn vật. Giờ đây chúng con xin dâng lên Chúa toàn thể nhân loại, đặc biệt những người thân thuộc của chúng con, xin cho tất cả mọi người luôn được hạnh phúc, luôn khám phá ra niềm vui khi tìm về đấng cội nguồn, hầu khám phá ra tình thương của Ngài trên mọi biến cố lớn nhỏ của cuộc đời. Xin cho chúng con đọc ra ý nghĩa của năm Kỷ Hợi một năm biểu tượng sự sung sướng, đầy đủ vật chất, thoải mái về tinh thần. 


Thánh lễ Tân Niên




Hái lộc đầu xuân






MỒNG HAI TẾT


“Mồng Một tết Cha – Mồng hai tết Mẹ - Mồng Ba tết thầy”. Đây là phong tục của người Việt Nam trong những ngày lễ Tết. Đối với người VIỆT chữ Hiếu luôn đứng đầu trong mọi đức tính của con người. Con cái thảo hiếu với Cha mẹ khi còn sống, tưởng nhớ khi các ngài đã khuất với việc cúng kiếng. Đối với người kitô hữu, thờ kính ông bà cha mẹ đã khuất được dành trọn tháng 11 cầu cho các linh hồn, hay xin lễ và cầu nguyện… Cách riêng Giáo Hội Mẹ của chúng ta muốn chúng ta dùng ngày đầu năm đặc biệt này, là ngày mồng Hai Tết  để nhớ đến công ơn của tổ tiên, ông bà cha mẹ của chúng ta. Tục ngữ từ ngàn xưa đã nói:
“Mẹ cha vất vả nuôi mình
Từ khi trứng nước công trình biết bao.
Làm con phải nhớ công lao,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Hiếu thảo đối với cha mẹ không phải chỉ là một cảm tình tự nhiên hay là một qui định xã hội mà còn là một điều răn Chúa dạy trong 10 điều Chúa truyền qua ông Môsê: “Thứ bốn thảo kính cha mẹ”. Và đây là điều răn thứ nhất trong đạo làm người. Đạo Hiếu không chỉ dừng lại nơi quan hệ huyết thống, người dân kitô hữu Việt Nam đã sống hài hòa với truyền thống dân tộc ghi ơn đến những con người đã hy sinh cho Đất Việt này.  Đây cũng là dịp để con cái nhìn lại cách sống của bản thân đối với ông bà cha mẹ như thế nào. Chúa Giêsu không chỉ nhắc nhở con người về đạo làm con mà chính Ngài từ muôn thuở đã luôn là  Người Con đẹp lòng Chúa Cha. Chính Ngài cũng đã đi vào giữa thế gian và Ngài đã luôn vâng phục hiếu kính với Mẹ Maria và Thánh Giuse.
Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay nhân dịp đầu năm mới chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài. Chúng con cầu xin ...

Đã có biết bao nhiêu câu chuyện, vần thơ, những hình ảnh đi vào lòng người khi nói đến công ơn sinh thành và lòng hiếu kính của con cái.
“Con người có cố có ông,
Như cây có cội như sông có nguồn”.
Hay:
Người ta có cha có mẹ
Không ai ở chỗ nẻ chui lên (Tục ngữ).
Và:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Trong ngày Mồng Hai tết Kính nhớ Ông Bà Cha Mẹ, cũng là một lần con cái nói lên lời tri ân với các bậc sinh thành.

Niềm  Hạnh  Phúc Đơn Sơ
               M. Phanxico Fatima

Mới sáng sớm, trời đã dầy đặc mây đen, những đám mây ở đâu cứ lững thững trôi về. Nghe nói có siêu bão ở miền Bắc, nên miền Nam cũng bị ảnh hưởng. Trời mưa rả rít, gió rít qua từng khe cửa, tôi không thể ra ngoài làm việc được. Ngồi trong nhà  một mình, lại thêm cái khí se lạnh làm cho tôi có cảm giác thoáng buồn. Tôi bật chiếc radio lên nghe xem có chương gì hay không. Rà một lúc, tôi dừng lại ở đài FM, chương trình “đồng hành cùng gia ình Việt”. Tôi được nghe bé Hoàng Anh (Đồng Tháp) tâm sự về hoàn cảnh éo le của gia đình mình: một mẹ, hai con nhỏ sống trong một túp lều tranh rách nát ở ven đường, gió lùa tứ phía. Rồi những đêm thức trắng do mưa bão dột ướt; những trăn trở trước số tiền học phí của hai chị em; những giọt nước mắt nghẹn ngào: “con thương mẹ con nhất trên đời…” của em bé vừa lên 8 tuổi…Tất cả dệt nên trong tôi niềm xúc động dạt dào. Hình ảnh ba mẹ tần tảo tràn về trong tâm thức tôi.
Hồi ấy gia đình tôi từ Bà Rịa – Vũng Tàu chuyển về Bình Thuận sinh sống. Ra đi với hai bàn tay trắng và ba đứa con nhỏ nheo nhóc, cuộc sống trước mắt đầy dẫy những khó khăn chung với cái khó khăn của cuộc sống xã hội lúc đó. Ba tôi dựng tạm một túp lều vách lá cho cả gia đình che nắng che mưa, rồi đi khẩn hoang phát rẫy lấy đất canh tác. Mẹ thì chăm nom sấp nhỏ, và tranh thủ giúp ba tôi dọn dẹp vườn tược, trồng tỉa bắp khoai. Những bữa cơm sau cả ngày lao động vất vả, là chút rau dền luộc, lấy nước làm canh được hái sau nhà và một ít cơm độn khoai, sắn hay bo bo. Thi thoảng có ăn món ăn xa xỉ hơn là cái trứng luộc dầm tương, hoặc ít nước mắn phi hành thơm sực nức cả nhà. Dẫu thiếu thốn như vậy, nhưng gia đình tôi luôn tràn ngập tiếng cười. Ba mẹ tôi hiếm khi nào to tiếng với nhau, mọi thành viên trong nhà trở nên nguồn lực động viên giúp nhau cố gắng vượt qua đoạn khó khăn này. Điều khó khăn nhất và trở thành nỗi lo lắng của ba mẹ tôi không phải là miếng cơm manh áo mà là đời sống thiêng liêng con cái, việc đạo nghĩa khó vuông tròn. “Nhà thờ cách nhà chừng 7 – 8 cây số, đường đi lại sình lầy, nằm khuất dưới tán rừng rậm rạp, phương tiện đi lại thì chưa có…” Mẹ tôi kể lại.
Sau một thời gian, ba mẹ dành dụm được ít tiền, mua một chiếc xe đạp cũ, một thùng đựng cà rem. Vậy là ba tôi bắt đầu hành trình bán cà rem dạo. Cứ độ 3 giờ sáng, ba thức dậy, đạp xe ra xã chừng 8 cây số, mua đá lạnh sau đó quay đạp xe trở về nhà mình. Còn mẹ ở nhà chuẩn bị sẵn sàng các nguyên vật liệu. Khi ba tôi về đến nhà thì trời đã dần sáng, mấy chị em tôi đã thức dậy để giúp ba mẹ làm kem. Các ống dài được đổ đầy sirô, bịt hai đầu, cho vào thùng có đá và muối, rồi mọi người thay phiên nhau lắc. Tiếng kêu cồng cộc…cồng cộc…vang lên điều đặn cho đến lúc cà rem đông lại. Thường hai đầu ống hay bị thấm nước muối nên phải cắt bỏ đi, chúng tôi dùng nó như là phần thưởng sau một buổi lắc kem vất vả - đó cũng là bữa điểm tâm của chúng tôi. Ba xếp cà rem vào thùng, những cây cà rem mát lạnh, ngọt ngào đang bốc hơi. Sau đó, Ba đạp chiếc xe với thùng cà rem ra xã để bán. Có hôm ngồi trong nhà nhìn ba, tôi thấy dáng ba mảnh khảnh, nước da đen sạm rắn chắc như ngư phủ. Chiếc nón lá ba đội đã rách bươm, bộ áo quần bạc màu với nhiều mảnh vá, đôi dép lào cũ kỷ đã theo ba tự bao giờ…Ba ngồi trên chiếc xe đạp, lắc cái chuông nhỏ teeng teeng…teeng teeng…và dần dần khuất bóng sau những tia nắng lấp lánh xuyên qua tán lá, tinh nghịch dội xuống mặt đường.
Mẹ tôi vốn đảm đang, cần cù, chịu khó. Chưa bao giờ tôi nghe mẹ than thở vất vả với các con. Mẹ thường dạy chúng tôi những bài học nhân bản, cầu nguyện qua các câu Lời Chúa, ca dao, tục ngữ, qua những điều nhỏ bé trong cuộc sống và vạn vật. Mẹ chẳng bao giờ kiệm lời nói yêu thương, chia sẻ, dạy bảo và lắng nghe chúng tôi, dù có mệt đến mức độ nào đi nữa. Với đôi bàn tay thoăn thoắt khéo léo, mẹ nhanh chóng thổi hồn vào mảnh vườn sau nhà. Những cây bắp đua nhau vươn mình lên dưới ánh mặt trời, đơm hoa kết trái. Thêm vào đó là những cây ăn trái như sầu riêng, nhãn, chanh…cũng tươi tốt theo tháng ngày. Đến vụ mùa, mẹ thường dành những trái bắp ngon, đầy hạt làm quà cho mấy cha con như là một phần thưởng cho những ngày lao công vất vả. Tôi vẫn nhớ mãi nồi bắp nếp nghi ngút khói, thơm lừng đặt ở hiên nhà vào dịp trung thu. Mấy chị em ngoan ngoãn ngồi xếp bằng đợi mẹ chia phần, ba tôi cũng giả vờ làm theo lũ trẻ chúng tôi ngoan không kém. Mẹ tôi bắt lên lời kinh Lạy Cha, cầu nguyện tạ ơn Chúa vì đã cho gia đình tôi một màu bội thu và mọi thành viên trong gia đình đều mạnh khỏe. Cả gia đình tôi đã vui vầy dưới ánh trăng rằm tròn đầy như gia đình tôi vậy.
Đối với ba mẹ, việc học hành của chị em chúng tôi rất quan trọng. Để lo cho các con đến trường, ba mẹ đã hết sức tiết kiệm. Mọi khoản thu trong nhà ba mẹ đều dành để mua sách vở và dụng cụ học tập và đóng học phí cho chúng tôi. Tôi vẫn không thể nào quên ngày đầu tiên tôi đến trường; Buổi sáng mẹ gọi tôi dậy sớm, chuẩn bị cho tôi một chén cơm nóng ngon lành, mẹ chải tóc, mặc cho tôi bộ áo quần mới tinh, những quyển tập tinh nguyên với hương thơm dịu ngọt được mẹ xếp vào chiếc cặp nhỏ rồi mang trên vai. Trước khi ra khỏi nhà, ba mẹ đứng bên cạnh tôi và nói “Ồ, con gái nhỏ giờ đây nhìn thật chững chạc. Con đã lớn thêm một chút và bắt đầu học những chữ cái đầu đời, con phải biết vâng lời cô giáo, vui vẻ với các bạn trong lớp, siêng năng chăm chỉ học tập. Đặc biệt khi gặp khó khăn con hãy nói với Chúa Giêsu, Người ở ngay bên cạnh con, Người sẽ giúp con …” bài học ấy tôi hằng khắc sâu trong tâm trí. Ba đặt tôi ngồi trên chiếc xe đạp, rồi hai cha con lướt nhẹ đến trường. Trên đường đi, tôi ôm đằng sau ba tôi với đôi bàn tay bé xíu, tôi có thể nghe được tiếng thở nhè nhẹ của ba, hòa đều với tiếng lộc cộc của bàn đạp, ba ngâm nga đọc cho tôi nghe bài thơ.
“Sáng mồng 5 tháng 9
Em mặc quần áo mới,
Đi đến ngày khai trường,
Vui hơn là đi hội.
Gặp bạn cười hớn hở
Đứa tay bắt mặt mừng,
Đứa ôm vai bá cổ
Cặp sách đùa trên lưng.”
Giờ đây dòng sông tuổi thơ ấy đã qua lâu lắm rồi. Nơi tôi ở không còn là đồng không hiu quạnh, căn nhà vách lá mái tranh đã được thay bằng cốt thép xi-măng. Lũy tre xanh trước nhà giờ chỉ là ký ức. Nhưng hương vị ngọt ngào của cây cà rem, của trái bắp nếp từng gắn liền với tuổi thơ tôi vẫn còn lại dư âm. Những con người vẫn còn đó, gia đình tôi vẫn tràn ngập tiếng cười, của niềm hạnh phúc tình yêu. Nếu có ai đó hỏi tôi “Sống thánh là gì?” Tôi sẽ không ngần ngại trả lời rằng: Đó là sống hết mình cho tình yêu.


Ba mẹ kính yêu ơi! Con cảm ơn Chúa đã cho con được làm con của ba mẹ. Con cảm ơn ba mẹ đã làm gương cho con – dẫu là những cử chỉ hết sức bình dị. Con biết rằng ba mẹ hằng hy sinh tất cả cho con cái, cả đời ba mẹ tín thác vào Đấng Tối Cao. Nay con đã khôn lớn, đã rời khỏi vòng tay âu yếm của mẹ, rời khỏi ánh nhìn trìu mến của ba. Nhưng con tin chắc rằng ba mẹ luôn là bệ phóng cho con qua lời cầu nguyện.
Ba mẹ ơi, gia đình chúng ta sẽ cùng nhau nên thánh trong tình yêu nhé.


Con gái nhỏ của ba mẹ.


Mừng tuổi Mẹ 






Thêm chú thích


Thắp nén hương tưởng nhớ về cha












        MỒNG BA TẾT - THÁNH HÓA 
CÔNG ĂN VIỆC LÀM


Cuộc sống ấm êm hạnh phúc là ước nguyện ước mãnh liệt của mỗi cá nhân, gia đình, xã hội; của thế giới trong mọi thời đại.
Việt Nam có truyền thống tốt đẹp là cứ mỗi dịp tết đến xuân về, mọi người đều sum họp bên nhau để chia sẻ tình yêu thương, trao nhau những lời cầu chúc tốt đẹp; cùng tạ ơn một năm cũ đã trôi qua và khai nguyên những ước nguyện cho một năm mới đã về. Thật ý nghĩa biết bao khi mọi tín hữu trong khắp cả nước dành một ngày đặc biệt ( Ngày mồng 3 tết ) để hướng về ngày xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm. Điều này nói lên niềm tin mãnh liệt của dân Chúa vào Đấng tình yêu và quyền năng đang trông chờ Thiên Chúa, hướng dẫn và chúc lành cho mọi công việc của mỗi người. Nhờ sự quan phòng của Chúa, mỗi người hy vọng một năm mới sẽ đến bằng sự may lành, tốt đẹp và thịnh đạt.
Hòa trong bầu không khí vui tết cùng với tất cả mọi tín hữu bên ngoài. Trong Đan Viện cùng với nhịp đập ấy, hướng về ngày thánh hóa công ăn việc làm để cầu nguyện cho mọi sinh hoạt của Đan Viện cũng như cầu nguyện cho tất cả thành phần dân Chúa kể cả những người chưa biết đến Thiên Chúa là ai? Lao động và cầu nguyện là linh đạo của đời sống đan tu, rất gần gũi với cuộc sống lao tác của mỗi gia đình. Hôm nay trong bầu không khí thánh thiêng, cộng đoàn dâng lên Chúa tất cả những công việc mà cộng đoàn đang thực hiện nhằm mục đích mưu sinh và truyền giáo. Hết thảy được gói trọn với tất cả lời tạ ơn, vì trong mọi sự, luôn có Chúa hướng dẫn, nâng đỡ và đồng hành để cộng đoàn có được như ngày hôm nay. Đồng thời với tâm tình nguyện xin ơn Chúa chúc phúc, thánh hóa để mọi dự định công việc của cộng đoàn trong năm mới, được phát triển như lòng Chúa mong ước và nhằm mưu ích cho đời sống cộng đoàn và cho Giáo Hội.


Tạ ơn Chúa một ngày lễ truyền thống mang đến cho tâm hồn mỗi người, mỗi gia đình, cộng đoàn và xã hội niềm hy vọng trong cuộc sống tương lai và những động lực vươn lên trong giây phút hiện tại, nhờ vào tình yêu xót thương – Thánh hóa của Chúa.














Nhận xét